Thời kỳ Chính Thống Minh_Anh_Tông

Tấm bia kỷ niệm xây dựng lại Đền thờ Nhan HồiKhúc Phụ năm 1441 (năm Chính Thống thứ 6)

Minh Anh Tông còn nhỏ, Trương Thái hoàng Thái hậu sai các đại thần vào điện Kinh Diên dạy học và lễ nghĩa cho vua. Những người lãnh trách nhiệm này có đại thần Trương Phụ (張輔), Dương Sĩ Kỳ (杨士奇), Dương Vinh (杨荣), Dương Phổ (杨溥). Ngoài ra còn có thái giám Vương Chấn (王振) quản lý việc trong cung cấm.

Từ khi là Thái tử, Chu Kỳ Trấn đã thân với hoạn quan Vương Chấn. Sau khi lên ngôi, ông phong Vương Chấn làm Ty lễ giám đứng đầu các hoạn quan. Do nhà Minh đã bỏ chức thừa tướng từ thời Minh Thái Tổ, quyền hành tập trung hết vào tay vua, tới thời Minh Anh Tông nhờ cậy hết vào Vương Chấn: các tấu chương từ dưới tâu lên Anh Tông đều để Vương Chấn phê duyệt[4]. Vì vậy uy quyền của Vương Chấn ngày càng lớn.

Do sự chuyên quyền của Vương Chấn, Trương Thái hoàng Thái hậu từng ra tay ngăn chặn, theo di huấn khi còn sống của Minh Thái Tổ không để hoạn quan dự triều chính. Nhưng điều đó chỉ tạm thời cản Vương Chấn. Năm 1442, Trương Thái hoàng Thái hậu qua đời, từ đó không còn ai ngăn cản sự lộng hành của Vương Chấn.

Nhiều quan lại sợ Vương Chấn nên ra sức lấy lòng Chấn, nhiều người muốn bản tấu được phê đều phải đút lót cho Vương Chấn. Trong số đó không phải tất cả đều mưu đồ cá nhân, cũng có những viên quan như Chu Thầm nhờ đó mà làm lợi cho địa phương mình[5].

Khi giao hết quyền cho Vương Chấn, Minh Anh Tông ở sâu trong cung cấm hưởng lạc. Ông hoàn toàn tin tưởng vào tài năng của Vương Chấn, vì từ nhiều đời trước các hoạn quan vào cung đều không biết chữ, trong số các hoạn quan trong triều khi đó chỉ có Vương Chấn xuất thân từ học trò tự hoạn vào cung[6].

Bên ngoài, các tông thất nhà Minh liên tiếp được ban thưởng nhiều ruộng đất và bản thân họ cũng cướp nhiều ruộng của dân nghèo làm tài sản riêng[7]. Vì vậy, nhiều nơi nông dân nổi dậy khởi nghĩa. Năm 1445, Diệp Tông Lưu ở Chiết Giang khởi binh, bị thua một lần lại chạy sang Phúc Kiến khởi binh lần nữa năm 1447. Năm 1448, Đặng Mậu Thất ở huyện Sa, Phúc Kiến nổi lên, liên kết với Diệp Tông Lưu. Triều đình sai Trần Mậu, Lương Dao, Trần Dự dẹp được. Cùng lúc, Hoàng Tiêu Dưỡng ở Quảng Đông khởi nghĩa, đến tận năm 1450 mới bị trấn áp.

Ngoài biên ải phía tây nam nhà Minh cũng không yên ổn. Lộc Xuyên Tuyên úy ty (Vân Nam) gần Miến Điện, thủ lĩnh là cha con Tư Nhiệm Phát, Tư Cơ Phát và Tư Lộc chống triều đình từ năm 1437. Tình hình tạm yên năm 1440 khi Tư Nhiệm Phát có ý quy phục, nhưng Minh Anh Tông lại nghe theo Vương Chấn, muốn tỏ rõ võ công triều đình nên huy động nhiều binh sĩ Tứ Xuyên, Quý Châu và Hồ Quảng tham chiến tiếp, dù đến năm 1448 có thắng vài trận nhưng cuối cùng vẫn phải thừa nhận địa vị cai trị địa phương này của Tư Lộc[8].

Chiến sự liên miên cùng sự tham lam của bộ máy cai trị khiến quân đội càng suy yếu. Minh Thái Tổ từng xây dựng chế độ vệ sở, dùng phép "ngụ binh ư nông" để quân lĩnh tự cày cấy lấy lương thực, nhưng đến lúc này các võ quan cao cấp và các địa chủ lớn tại địa phương chiếm lấy đất của quân sĩ làm của riêng, thu nhập của đồn điền không đủ nuôi binh sĩ[9]. Quân sĩ bỏ trốn rất nhiều, tính đến năm 1448, Bộ Binh báo cáo lên triều đình, tổng số quân sĩ bỏ trốn phải xóa tên lên tới 66 vạn người[9]. Vũ khí trang bị cho quân đội nhà Minh cũng vừa thiếu vừa kém chất lượng, nhiều đồ dùng bị hư hỏng.